Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại toàn cầu, việc lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp ngày càng trở nên quan trọng. Mỗi hình thức vận chuyển từ đường bộ, đường biển tới đường hàng không, đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào tính chất hàng hóa và nhu cầu của doanh nghiệp.
Cùng tìm hiểu chi tiết về 6 hình thức vận chuyển phổ biến nhất hiện nay trong bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về hình thức vận chuyển
Hình thức vận chuyển là cách thức hoặc phương pháp được sử dụng để di chuyển hàng hóa, con người, hoặc vật liệu từ nơi này đến nơi khác. Mỗi hình thức sẽ phù hợp với từng loại hàng hóa, khoảng cách và điều kiện di chuyển khác nhau.
Trên thị trường hiện có 6 hình thức vận chuyển phổ biến, bao gồm:
- Vận chuyển đường bộ
- Vận chuyển đường biển
- Vận chuyển đường hàng không
- Vận chuyển đường sắt
- Vận chuyển đường thủy nội địa
- Vận chuyển đa phương thức
Việc chọn đúng hình thức vận chuyển đóng vai trò quan trọng đối với Doanh nghiệp và quá trình cung ứng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, thời gian giao hàng và độ an toàn của hàng hóa. Sử dụng các hình thức vận chuyển hàng hóa đúng cách sẽ giúp doanh nghiệp:
- Tối ưu hóa chi phí: tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
- Đảm bảo thời gian giao hàng: hàng hóa đến tay khách hàng nhanh chóng, đúng hạn, giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng và độ tin cậy của doanh nghiệp.
- An toàn và bảo mật: giảm thiểu rủi ro hư hỏng, mất mát hàng hóa, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
2. 5 hình thức vận chuyển phổ biến nhất hiện nay
2.1. Vận chuyển đường bộ
Vận chuyển đường bộ là phương thức vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng các phương tiện vận chuyển trên đường bộ như ô tô, xe máy, xe tải, xe bus, xe container,…
Ưu điểm
- Linh hoạt: dễ dàng điều chỉnh lộ trình và thời gian vận chuyển.
- Chi phí tối ưu: thấp hơn vận chuyển hàng không, đặc biệt cho các quãng đường ngắn và trung bình.
- Giao hàng tận nơi: có thể nhanh chóng giao hàng trực tiếp từ nơi gửi đến nơi nhận mà không cần trung chuyển, đáp ứng nhu cầu giao hàng kịp thời.
- Phù hợp cho các tuyến nội địa: thích hợp cho việc vận chuyển nội địa, đặc biệt là các khu vực không có đường sắt hoặc cảng biển.
Nhược điểm
- Hạn chế về tải trọng, kích thước và khoảng cách: Không phù hợp cho các chuyến vận chuyển đường dài hoặc hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh.
- Dễ bị ảnh hưởng bởi tắc đường và hạ tầng giao thông: Tình trạng giao thông và chất lượng đường xá có thể ảnh hưởng đến thời gian, chi phí vận chuyển.
- Rủi ro về an ninh: Hàng hóa có thể bị mất hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển đường bộ do tai nạn hoặc trộm cắp.
Các phương tiện dùng trong vận tải đường bộ bao gồm: xe máy, oto, xe tải, xe khách, xe container, xe bồn,…
2.2. Vận chuyển đường biển
Vận chuyển đường biển là hình thức vận tải sử dụng tàu biển để vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách qua các tuyến đường biển. Hình thức này đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, nhờ khả năng chuyên chở khối lượng lớn hàng hóa với chi phí thấp.
Ưu điểm:
- Chi phí thấp hơn vận chuyển đường hàng không và vận chuyển đường bộ, đặc biệt với hàng hóa lớn và nặng.
- Khả năng chuyên chở lớn: Tàu biển có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa rất lớn, từ container đến hàng rời, hàng cồng kềnh và hàng siêu trường siêu trọng, giúp tối ưu chi phí vận chuyển cho các lô hàng lớn.
- Thân thiện với môi trường: Phát thải khí CO2 ít hơn vận tải hàng không và vận tải đường bộ.
- Định tuyến toàn cầu: Khả năng kết nối với nhiều cảng biển trên toàn thế giới, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế.
- Ít bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn giao thông: Giúp duy trì thời gian giao hàng ổn định.
Nhược điểm:
- Thời gian giao hàng lâu: mất nhiều thời gian hơn vận chuyển đường bộ và vận chuyển đường hàng không, không phù hợp cho các lô hàng cần giao gấp.
- Rủi ro thời tiết, tai nạn hàng hải: Thời tiết xấu như bão, sóng lớn hoặc sự cố, tai nạn hàng hải có thể gây ra sự chậm trễ trong lịch trình vận chuyển và ảnh hưởng đến an toàn hàng hóa.
- Phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng: Cần có cảng biển và các thiết bị xếp dỡ chuyên dụng.
- Hạn chế về hàng hóa: Một số loại hàng hóa dễ hư hỏng hoặc nhạy cảm không thể vận chuyển bằng đường biển.
- Chi phí phát sinh: Có thể phát sinh chi phí liên quan đến thủ tục hải quan, lưu kho tại cảng hoặc bảo hiểm hàng hóa.
Các loại phương tiện vận chuyển tàu biển được sử dụng phổ biến trong vận tải biển:
- Tàu container
- Tàu chở hàng rời
- Tàu chở hàng đông lạnh
- Tàu chở dầu
- Tàu RoRo
- Tàu chở hàng bách hóa,…
Cước phí vận chuyển đường biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khoảng cách, trọng lượng, loại hàng hóa và các phụ phí khác như phí xếp dỡ, phí nhiên liệu. Nhìn chung, hình thức vận chuyển này có cước phí khá rẻ, đặc biệt là với những đơn hàng vận chuyển số lượng hàng lớn.
Các loại hàng hóa vận chuyển chủ yếu bằng đường biển bao gồm hàng hóa tổng hợp, máy móc công nghiệp, hàng đông lạnh, dầu thô, xe cộ,…
Có 2 phương thức vận chuyển đường biển phổ biến:
- FCL (Full Container Load): Vận chuyển nguyên container, phù hợp với lô hàng lớn.
- LCL (Less than Container Load): Vận chuyển hàng lẻ, ghép nhiều lô hàng nhỏ vào một container.
2.3. Vận chuyển đường hàng không
Vận chuyển đường hàng không là phương thức sử dụng máy bay dân dụng hoặc máy bay chở hàng để vận chuyển hành khách và hàng hóa từ nơi này qua nơi khác. Hình thức vận chuyển này phù hợp với hàng hóa giá trị cao hoặc cần giao nhanh, giao gấp.
Ưu điểm
- Thời gian vận chuyển nhanh: Máy bay có tốc độ di chuyển cao, trung bình từ 800 – 1000 km/h, giúp hàng hóa đến tay người nhận nhanh chóng.
- Độ an toàn cao: giúp giảm thiểu rủi ro mất mát và hư hỏng hàng hóa.
- Phạm vi toàn cầu: Có thể kết nối với hầu hết các quốc gia trên thế giới mà không bị cản trở về địa hình.
- Thích hợp cho hàng hóa nhạy cảm: Hàng hóa dễ hỏng như thực phẩm tươi sống hay dược phẩm có thể được vận chuyển nhanh chóng và an toàn.
Nhược điểm
- Cước phí vận chuyển cao hơn các hình thức khác, đặc biệt là với hàng hóa nặng, khối lượng lớn
- Giới hạn về kích thước và trọng lượng: Các hãng hàng không có quy định nghiêm ngặt về trọng lượng và kích thước hàng hóa, làm hạn chế khả năng vận chuyển.
- Phụ thuộc vào thời tiết: Các chuyến bay có thể bị hoãn hoặc hủy do điều kiện thời tiết xấu.
- Thủ tục phức tạp: yêu cầu nhiều thủ tục giấy tờ và kiểm tra an ninh, dẫn đến thời gian chờ đợi dài hơn.
Các loại hàng hóa phù hợp vận chuyển đường hàng không bao gồm:
- Hàng hóa có giá trị cao: Vàng, kim cương, đồ điện tử, thời trang cao cấp
- Hàng hóa nhạy cảm về thời gian: Thư tín, bưu phẩm nhanh, dược phẩm
- Hàng dễ hư hỏng: Thực phẩm, hoa tươi, hàng ướp bằng đá khô
Bạn muốn biết chi tiết hơn về vận chuyển hàng hóa bằng máy bay? Tham khảo ngay bài viết Vận chuyển hàng không và tất tần tật những điều cần biết để hiểu rõ hơn nhé!
2.4. Vận chuyển đường sắt
Vận chuyển đường sắt là hình thức di chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa thông qua hệ thống đường sắt. Đây là một trong những phương thức vận chuyển có khả năng kết nối nhiều khu vực nội địa và quốc tế, đặc biệt hiệu quả cho các lô hàng lớn và nặng.
Ưu điểm
- Chi phí hợp lý: Vận tải đường sắt thường rẻ hơn so với vận tải đường bộ và hàng không, đặc biệt là khi giá nhiên liệu tăng.
- Bảo vệ môi trường: Mức phát thải khí nhà kính thấp hơn và tiêu thụ năng lượng ít hơn so với các phương thức vận tải khác.
- Khả năng vận chuyển lớn: Có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn và nặng, từ hàng rời đến container, giúp tối ưu hóa chi phí cho các lô hàng lớn.
- Độ an toàn cao: Tỷ lệ tai nạn đường sắt thấp hơn nhiều so với đường bộ, giúp giảm thiểu rủi ro hư hỏng hàng hóa.
- Thích hợp cho vận chuyển khoảng cách dài.
Nhược điểm
- Hạn chế về tuyến đường: gây khó thay đổi lộ trình và không thể tiếp cận mọi địa điểm, cần kết hợp với vận tải đường bộ để hoàn thành chuỗi cung ứng.
- Chi phí vận hành cao: Đầu tư ban đầu và chi phí bảo trì hệ thống đường sắt cao.
- Thời gian giao hàng chậm: không phù hợp với hàng hóa cần giao gấp.
2.5. Vận chuyển đường thủy nội địa
Là hình thức vận chuyển sử dụng tàu thuyền trên các tuyến đường sông, hồ, và kênh rạch để chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác trong lãnh thổ của một quốc gia.
Ưu điểm:
- Chi phí vận chuyển thấp
- Có khả năng vận chuyển cùng lúc một lượng hàng hóa lớn
- Ít gây ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng ít hơn các phương thức vận tải khác.
- Giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông đường bộ, giảm tắc nghẽn và tai nạn.
Nhược điểm:
- Thời gian vận chuyển lâu hơn vận chuyển đường bộ và đường hàng không.
- Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu như lũ lụt, bão, hoặc hạn hán.
- Không phải tất cả các khu vực đều có cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho vận chuyển đường thủy.
Các loại hàng hóa phù hợp vận chuyển đường thủy nội địa:
- Hàng hóa công nghiệp: máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng,…
- Hàng hóa nông sản: lúa, ngô, gạo, trái cây,…
- Hàng hóa tiêu dùng: Thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo,…
- Hàng hóa lỏng: hóa chất công nghiệp, hóa chất nông nghiệp.
- Hàng hóa xây dựng: Cát, đá, xi măng,…
2.6. Vận chuyển đa phương thức
Vận chuyển hàng hóa đa phương thức là việc sử dụng kết hợp ít nhất hai phương thức vận chuyển khác nhau trong một hành trình để di chuyển hàng hóa từ điểm xuất phát đến điểm đích.
Mô hình vận chuyển đa phương thức phổ biến bao gồm:
- Đường bộ + Đường biển
- Đường sắt + Đường bộ
- Đường bộ + Đường hàng không
Ưu điểm
- Tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển nhờ phân bổ hợp lý giữa các phương thức.
- Giảm rủi ro mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa nhờ tận dụng lợi thế các hình thức.
- Dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của từng lô hàng.
- Tiếp cận được đa dạng khu vực địa lý, từ cảng biển đến các khu vực nội địa.
Nhược điểm
- Phức tạp trong quản lý do cần phối hợp nhiều phương thức và nhà vận chuyển khác nhau.
- Có thể phát sinh chi phí liên quan đến việc phối hợp và chuyển tải hàng hoá, đặc biệt là phí lưu kho hoặc phí làm thủ tục.
- Rủi ro mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa trong quá trình chuyển giao hàng hóa giữa các hình thức.
- Các thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu có thể phức tạp hơn khi sử dụng nhiều phương thức vận chuyển.
3. Lưu ý để lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp
Để chọn hình thức vận chuyển phù hợp, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Loại hàng hóa
Tính chất của hàng hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến phương thức vận chuyển. Chẳng hạn, hàng hóa dễ hỏng hoặc có hạn sử dụng ngắn nên được vận chuyển bằng đường hàng không để đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng.
- Thời gian giao hàng
Nếu hàng hóa cần giao gấp, các phương thức như vận chuyển hàng không hoặc giao hàng nhanh sẽ phù hợp hơn. Ngược lại, nếu thời gian không gấp, bạn có thể chọn vận chuyển đường biển hoặc đường bộ để tiết kiệm chi phí.
- Chi phí
Ngân sách của bạn là yếu tố ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn phương thức vận chuyển. Vận chuyển hàng không thường tốn kém hơn so với vận chuyển đường biển hoặc đường bộ, nhưng lại nhanh hơn.
- Quãng đường vận chuyển
Khoảng cách là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn hình thức vận chuyển. Vận chuyển đường bộ phù hợp cho khoảng cách ngắn, trong khi vận chuyển đường biển hoặc đường sắt lại thích hợp hơn cho các quãng đường dài.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin về các hình thức vận chuyển phổ biến hiện nay. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn tìm ra phương thức vận chuyển phù hợp nhất cho nhu cầu của doanh nghiệp. Hãy theo dõi Thái Dương Fulfillment để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về logistics nhé!