Mô hình EOQ là một trong những mô hình giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình quản lý hàng tồn kho, tránh tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho quá nhiều. Nếu bạn đang tìm cách giảm chi phí lưu kho và chi phí đặt hàng cho doanh nghiệp, hãy cùng Thái Dương Fulfillment tham khảo về mô hình EOQ trong bài viết dưới đây.
1. Mô hình EOQ là gì?
Mô hình EOQ (Economic Order Quantity hay Số lượng đặt hàng kinh tế) là mô hình quản lý hàng tồn kho được sử dụng để xác định số lượng đặt hàng tối ưu nhằm giảm thiểu tổng chi phí liên quan đến việc đặt hàng, nhận hàng và lưu trữ hàng hóa.
EOQ giúp các doanh nghiệp quyết định khi nào và bao nhiêu hàng hóa cần nhập để duy trì hoạt động sản xuất hoặc bán hàng mà không gây lãng phí. Mô hình này hướng đến tổng chi phí về dự trữ là nhỏ nhất. Ứng dụng của EOQ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong các ngành như bán lẻ, sản xuất, thương mại điện tử, bán buôn và dịch vụ.
2. Công thức và cách tính của mô hình EOQ
Công thức tính số lượng đặt hàng kinh tế EOQ như sau:
EOQ = √(2DS/H) |
Trong đó:
- D: Tổng số lượng sản phẩm được bán ra theo nhu cầu mỗi năm.
- S: Chi phí trung bình để thiết lập đơn hàng.
- H: Chi phí duy trì kho hàng cho 1 sản phẩm theo năm.
Giá trị H sẽ tùy thuộc vào vốn ban đầu, phí dịch vụ kho, phí vận hàng kho và phí rủi ro do sự cố, gây ảnh hưởng đến giá trị hoặc tiến độ kinh doanh.
Ví dụ về cách tính EOQ: Doanh nghiệp X bán sản phẩm áo phông, nhập hàng theo số lượng lớn và trữ hàng trong kho. Các số liệu thực tế bao gồm:
- Tổng số sản phẩm bán ra (D): 500 áo/năm
- Chi phí trung bình để thiết lập đơn (S): 2$
- Chi phí duy trì kho cho 1 chiếc áo trong 1 năm (H): 4.5$
Áp dụng số liệu vào công thức: EOQ = √(2 x 500 x $2 / $4.5) = 21.08 (làm tròn thành 21).
Khi đó, 21 chính là số lượng thiết kế mà doanh nghiệp X cần đặt hàng cho mỗi lần nhập để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đồng thời tối giản chi phí vận hành. Để đạt doanh số 500 áo/năm, doanh nghiệp cần thực hiện khoảng 24 lần đặt hàng (21 x 24 = 504 áo). Chia đều với 365 ngày trong năm, vậy thời hạn để doanh nghiệp X tái đặt hàng 21 thiết kế và sản xuất lô áo mới là khoảng 15 ngày.
3. Lợi ích và hạn chế cần khắc phục của mô hình EOQ
3.1. Lợi ích của mô hình EOQ
- Giảm chi phí đặt hàng: Mô hình EOQ giúp xác định số lượng đặt hàng tối ưu, từ đó giảm số lần đặt hàng và chi phí liên quan đến việc đặt hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hành chính và vận chuyển mỗi khi đặt hàng.
- Giảm chi phí tồn kho: Bằng cách duy trì mức tồn kho tối ưu, mô hình EOQ giúp giảm chi phí lưu trữ, bao gồm chi phí bảo quản, bảo hiểm và hư hỏng hàng hóa. Điều này giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả không gian kho bãi và giảm thiểu lãng phí.
- Cải thiện tỷ lệ hoàn tất đơn hàng (order fulfillment), tăng hiệu quả chuỗi cung ứng: Mô hình EOQ đảm bảo rằng luôn có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó cải thiện tỷ lệ hoàn tất đơn hàng. Điều này giúp tăng cường sự hài lòng của khách hàng và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng.
- Giảm chi phí vận hành kho: Với mức tồn kho tối ưu, doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành kho như chi phí nhân công, quản lý và bảo trì kho bãi. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình quản lý kho và tăng hiệu quả hoạt động.
- Tối ưu hóa quy trình xuất nhập kho: Với lượng hàng được đặt ở mức tối ưu, các quy trình nhập hàng vào kho và xuất hàng từ kho cũng được vận hành trơn tru hơn, hạn chế tình trạng quá tải kho hay thiếu hụt không cần thiết.
- Cải thiện dòng tiền: Bằng cách tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn kho, EOQ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí lưu kho, giảm lượng vốn bị khóa trong hàng tồn kho, giảm chi phí tài chính (như lãi suất, chi phí cơ hội,…) và đảm bảo dòng tiền được sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn.
- Hỗ trợ kế hoạch sản xuất: Mô hình EOQ giúp tính toán số lượng và thời điểm đặt hàng, giúp doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất một cách hiệu quả. Điều này đảm bảo rằng nguyên vật liệu luôn sẵn sàng cho quá trình sản xuất mà không bị gián đoạn.
3.2. Hạn chế của mô hình EOQ và cách khắc phục
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng mô hình EOQ dựa trên một số giả định nhất định. Do đó có thể không hoàn toàn chính xác trong thực tế. Cụ thể các giả định bao gồm:
- Giả định nhu cầu tiêu thụ hàng hóa là ổn định
EOQ giả định rằng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa là ổn định và không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, trong thực tế, nhu cầu có thể biến động do các yếu tố như mùa vụ, xu hướng thị trường và thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp có thể sử dụng các mô hình dự báo nhu cầu linh hoạt như phân tích xu hướng hoặc dự báo theo mùa để điều chỉnh số lượng đặt hàng phù hợp.
- Thời gian chờ đợi hàng hóa không có biến động
EOQ giả định rằng thời gian chờ đợi hàng hóa (lead time) là cố định và không thay đổi. Trong thực tế, thời gian chờ đợi có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sự chậm trễ trong vận chuyển, vấn đề sản xuất và các yếu tố ngoại cảnh khác.
Doanh nghiệp nên duy trì mức tồn kho an toàn để tránh các sự cố làm gián đoạt hoạt động kinh doanh. Để giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một nguồn duy nhất và đảm bảo nguồn cung ổn định, doanh nghiệp nên làm việc với nhiều nhà cung cấp. Ngoài ra, theo dõi và dự báo thời gian giao hàng dựa trên dữ liệu lịch sử cũng là phương pháp tối ưu để phân tích và dự báo chính xác hơn về thời gian chờ đợi.
- Chi phí đặt hàng là cố định
EOQ giả định rằng chi phí đặt hàng là cố định và không thay đổi. Tuy nhiên, chi phí này có thể biến động do các yếu tố như thay đổi giá vận chuyển, chi phí nhân công, và các chi phí liên quan khác.
Để cải thiện tình trạng này, doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cập nhật các chi phí liên quan để điều chỉnh mô hình EOQ để phù hợp với điều kiện thực tế.
- Không tính đến chi phí thiếu hụt hàng tồn kho
Mô hình EOQ không tính được các chi phí liên quan đến việc thiếu hụt hàng tồn kho, như mất doanh thu, mất lòng tin của khách hàng và chi phí cơ hội.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần giữ một mức hàng hóa dự phòng để đối phó với các trường hợp thiếu hụt bất ngờ. Doanh nghiệp cũng có thể kết hợp EOQ với các mô hình quản lý hàng tồn kho khác như mô hình quản lý hàng tồn kho theo mức độ dịch vụ (Service Level Inventory Management) để dự báo nhu cầu chính xác hơn. Điều này giúp đảm bảo rằng mức tồn kho luôn đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà không gây ra thiếu hụt.
Tính toán chi phí thiếu hụt vào mô hình EOQ cũng là một cách lý tưởng để đưa ra quyết định đặt hàng tối ưu hơn.
4. Ứng dụng thực tế của mô hình EOQ trong doanh nghiệp
EOQ được ứng dụng rộng rãi vào quản lý hàng tồn kho trong nhiều mô hình doanh nghiệp. Cụ thể:
- Doanh nghiệp sản xuất
Mô hình EOQ giúp xác định số lượng nguyên vật liệu cần thiết để đảm bảo quá trình sản xuất không bị gián đoạn. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí lưu trữ và đặt hàng, đồng thời đảm bảo rằng nguyên vật liệu luôn sẵn sàng cho sản xuất.
- Doanh nghiệp bán lẻ
EOQ giúp doanh nghiệp bán lẻ duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý để đáp ứng nhu cầu khách hàng mà không tốn quá nhiều chi phí. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí lưu trữ và đảm bảo rằng hàng hóa luôn sẵn sàng để bán. Sử dụng mô hình EOQ giúp tăng sự hài lòng của khách hàng, giảm thiểu chi phí lưu trữ và tránh tình trạng hết hàng.
- Doanh nghiệp logistics
Mô hình EOQ (Economic Order Quantity) giúp doanh nghiệp logistics tối ưu hóa số lượng hàng hóa cần đặt, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển và lưu trữ. Nhờ áp dụng EOQ, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận hành kho, cải thiện hiệu quả quy trình logistics và kiểm soát giá xuất kho một cách ổn định hơn. Bằng cách duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý, doanh nghiệp không chỉ giảm được biến động về giá xuất kho mà còn tăng hiệu quả vận chuyển và tối ưu hóa chi phí đầu ra.
- Doanh nghiệp dược phẩm
Mô hình EOQ giúp doanh nghiệp dược phẩm quản lý tồn kho thuốc và dược phẩm một cách hiệu quả, đảm bảo rằng luôn có đủ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mà không gây lãng phí.
Nhờ vào việc xác định số lượng đặt hàng tối ưu, doanh nghiệp có thể tránh tình trạng hàng hóa bị lưu kho quá lâu, dẫn đến hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Điều này không chỉ giúp duy trì chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu chi phí lưu trữ, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
- Doanh nghiệp thực phẩm
Mô hình EOQ giúp doanh nghiệp thực phẩm quản lý tồn kho nguyên liệu và sản phẩm một cách hiệu quả. Bằng cách áp dụng mô hình này, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí lưu trữ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nhờ đó, luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng mà không gây ra lãng phí.
Bài viết trên là những chia sẻ về tầm quan trọng của mô hình EOQ, công thức tính và ứng dụng thực tế của mô hình này cho các doanh nghiệp. Hãy tham khảo thêm nhiều bài viết hấp dẫn về cách tối ưu chi phí lưu trữ, vận chuyển hàng hóa tại Thái Dương Fulfillment bạn nhé.
>>> Xem thêm bài viết: Tìm hiểu về phương pháp FIFO và LIFO trong quản lý hàng tồn kho