3 phương pháp tính giá xuất kho của hàng tồn kho

Hàng tồn kho là một trong những tài sản quan trọng của doanh nghiệp cần được kiểm kê, kiểm soát chặt chẽ. Việc nắm rõ các phương pháp tính giá xuất kho là vô cùng cần thiết, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh suôn sẻ và hiệu quả. Cùng tìm hiểu chi tiết về hàng tồn kho và những phương pháp tính giá xuất kho trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về giá xuất kho và hàng tồn kho

1.1. Định nghĩa về giá xuất kho

Giá xuất kho là giá trị của hàng hóa được tính toán khi xuất kho để bán hoặc sử dụng trong sản xuất. Giá này được xác định dựa trên các phương pháp tính toán cụ thể nhằm đảm bảo tối đa lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Giá xuất kho là giá trị của hàng hóa được tính toán khi xuất kho để bán hoặc sử dụng trong sản xuất
Giá xuất kho là giá trị của hàng hóa được tính toán khi xuất kho để bán hoặc sản xuất

Giá xuất kho thường bị nhầm lẫn với giá vốn, tuy nhiên hai thông số này hoàn toàn khác nhau.

Giá vốn là tổng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được hàng hóa hoặc dịch vụ, bao gồm giá mua, chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu và các chi phí liên quan khác. Đây là thông số quan trọng để xác định giá bán hàng hóa, dịch vụ và tính toán lợi nhuận gộp.

Trong khi đó, giá xuất kho chỉ là giá trị hàng hóa khi xuất kho, dùng để tính toán giá trị hàng hóa khi xuất kho, giúp doanh nghiệp quản lý tồn kho hiệu quả. 

1.2. Các nghiệp vụ xuất kho

Tại điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC, hàng tồn kho được định nghĩa là những sản phẩm, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp giữ trong kho để phục vụ cho việc sản xuất hoặc đang chờ bán. Hàng tồn kho bao gồm:

  • Nguyên liệu thô: Các nguyên liệu dùng để sản xuất sản phẩm.
  • Bán thành phẩm: Sản phẩm đang trong quá trình sản xuất nhưng chưa hoàn thành.
  • Thành phẩm: Sản phẩm đã hoàn thành và sẵn sàng để bán.
  • Hàng hóa: Các sản phẩm được mua về để bán lại.

Nghiệp vụ xuất kho là quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến việc đưa hàng tồn kho ra khỏi kho để sử dụng hoặc bán. Nghiệp vụ này bao gồm các bước như lập phiếu xuất kho, kiểm tra số lượng và chất lượng hàng hóa, ghi nhận thông tin vào sổ sách kế toán và vận chuyển hàng hóa đến điểm nhận.

Tìm hiểu về giá xuất kho và các nghiệp vụ xuất kho
Tìm hiểu về giá xuất kho và các nghiệp vụ xuất kho

Một số nghiệp vụ xuất kho bao gồm:

  • Xuất kho bán hàng.
  • Xuất kho nguyên vật liệu để sản xuất.
  • Xuất kho tiêu dùng cho nội bộ.
  • Xuất nguyên vật liệu, hàng hóa để góp vốn hay đầu tư.

2.3 phương pháp tính giá xuất kho

2.1. Phương pháp tính theo giá đích danh

Phương pháp tính giá xuất kho theo giá đích danh là cách tính giá xuất kho theo giá trị thực tế của từng lô hàng nhập trước đó. Khi xuất kho, giá hàng hóa được xác định dựa trên lô hàng cụ thể đã nhập. 

  • Đối tượng áp dụng

Phương pháp tính giá đích danh thường được áp dụng cho doanh nghiệp có ít loại hàng hóa hoặc hàng hóa có giá trị cao và dễ nhận diện. Các doanh nghiệp cần kiểm soát hàng theo hạn sử dụng thường ưu tiên phương pháp này, bởi nó giúp quản lý hàng theo từng lô dễ dàng, tránh việc phân phối sản phẩm quá hạn.

Phương pháp tính theo giá đích danh phù hợp với các sản phẩm giá trị cao
Phương pháp tính theo giá đích danh phù hợp với các sản phẩm giá trị cao
  • Ưu điểm: Giá trị hàng hóa xuất kho phản ánh đúng giá trị thực tế của từng lô hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa chi phí và doanh thu.
  • Nhược điểm: Đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết từng lô hàng nhập xuất, điều này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, phương pháp này không phù hợp với doanh nghiệp có nhiều loại hàng hóa.
  • Công thức tính:

Công thức tính giá xuất kho theo giá đích danh

Ví dụ: Doanh nghiệp A bán máy tính bảng. Ngày 05/08 xuất kho 500 chiếc thuộc 3 lô nhập như sau:

  • 100 chiếc nhập ngày 01/08 với đơn giá 8.000.000đ/chiếc, tổng giá trị nhập là 800.000.000 đồng.
  • 300 chiếc nhập ngày 02/08 với đơn giá 9.000.000đ/chiếc, tổng giá trị nhập là 2.700.000.000 đồng.
  • 100 chiếc còn lại nhập ngày 03/08 với đơn giá 8.500.000đ/chiếc, tổng giá trị nhập là 850.000.000 đồng.

Vậy tổng giá xuất kho của công ty A ngày 05/08 tính theo giá đích danh là:

800.000.000 + 2.700.000.000 + 850.000.000 = 4.350.000.000 đồng

2.2. Phương pháp bình quân gia quyền

Phương pháp bình quân gia quyền tính giá xuất kho bằng cách lấy giá trung bình giữa giá trị hàng đầu kỳ và giá trị hàng nhập (hoặc sản xuất) trong kỳ. Giá trị trung bình này có thể được tính cho cả kỳ dự trữ (bình quân cuối kỳ) hoặc sau mỗi lần nhập hàng (bình quân tức thời).

2.2.1. Phương pháp tính giá xuất kho theo giá bình quân cả kỳ dự trữ

Khi sử dụng phương pháp này, đến cuối kỳ kế toán doanh nghiệp mới tính toán giá trị hàng xuất kho dựa trên số lượng hàng tồn đầu kỳ và các lần nhập trong kỳ.

  • Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hoá, giá cả ít biến động, hoặc trong trường hợp không cần xác định giá trị xuất kho ngay.
Các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hoá, giá cả ít biến động
Các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hoá, giá cả ít biến động
  • Ưu điểm

Cách tính toán đơn giản và tiết kiệm thời gian. Chỉ cần thực hiện một lần vào cuối kỳ và có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

  • Nhược điểm

Phương pháp này có thể xảy ra sai số, đặc biệt khi có sự biến động lớn về giá cả giữa các lô hàng nhập. Việc tính toán vào cuối kỳ không phản ánh chính xác giá trị hàng hóa tại từng thời điểm cũng như không cung cấp thông tin kế toán kịp thời. Do đó, có thể ảnh hưởng đến báo cáo chung của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc sử dụng giá trung bình có thể làm giảm khả năng phân tích chi phí và lợi nhuận từng lô hàng cụ thể.

  • Công thức tính:

Công thức tính theo giá bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ

Giá trị hàng xuất kho tính theo phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ

Ví dụ: Giả sử doanh nghiệp A có tình hình nhập xuất kho như sau:

  • Tồn kho đầu kỳ là 1000 đơn vị, đơn giá 20.000 VNĐ/đơn vị
  • Nhập trong kỳ:
  • Ngày 05/08: 500 đơn vị, đơn giá 22.000 VNĐ/đơn vị.
  • Ngày 15/08: 700 đơn vị, đơn giá 21.000 VNĐ/đơn vị.
  • Xuất trong kỳ: 1500 đơn vị.

Khi đó:

  • Giá trị tồn kho đầu kỳ: 1000 x 20.000 = 20.000.000 VNĐ
  • Giá trị hàng nhập ngày 05/08 là: 500 x 22.000 = 11.000.000 VNĐ
  • Giá trị hàng nhập ngày 15/08 là: 700 x 21.000 = 14.700.000 VNĐ
  • Số lượng hàng tồn đầu kỳ là 1000 đơn vị
  • Số lượng hàng tồn nhập ngày 05/08 là 500 đơn vị 
  • Số lượng hàng tồn nhập ngày 15/08 là 700 đơn vị

Đơn giá xuất kho cả kỳ bình quân dự trữ là:

Giá trị hàng xuất kho trong kỳ (1500 đơn vị): 1500 x 20.773 = 31.159.500 VNĐ

Khi đó, theo phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ, giá trị hàng xuất kho của doanh nghiệp A của kỳ đó là 31.159.500 VNĐ.

2.2.2. Phương pháp tính theo giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập

Tính giá xuất kho theo giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập, hay còn gọi là phương pháp bình quân tức thời, là cách tính giá trị hàng hóa xuất kho ngay sau mỗi lần nhập hàng. Phương pháp này dựa trên giá trị trung bình của hàng tồn kho và hàng nhập mới tại thời điểm đó.

  • Đối tượng áp dụng: Phù hợp với các doanh nghiệp cần cập nhật giá trị hàng xuất kho ngay tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ và có biến động nhập xuất hàng ít.
  • Ưu điểm: Phản ánh chính xác giá trị hàng xuất kho tại thời điểm phát sinh, giúp doanh nghiệp kiểm soát hàng tồn kho hiệu quả hơn.
  • Nhược điểm: Đòi hỏi tính toán nhiều lần, tốn thời gian và công sức, kế toán phải cập nhật liên tục sau mỗi lần nhập hàng.
  • Công thức tính:

Công thức tính giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập

Giá trị hàng xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập (Bình quân tức thời)

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tình hình nhập xuất kho như sau:

  • Tồn kho đầu kỳ: 1000 đơn vị, đơn giá 20.000 VNĐ/đơn vị
  • Nhập ngày 05/08: 500 đơn vị, đơn giá 22.000 VNĐ/đơn vị
  • Xuất ngày 10/08: 800 đơn vị
  • Nhập ngày 15/08: 700 đơn vị, đơn giá 21.000 VNĐ/đơn vị
  • Xuất ngày 20/08: 600 đơn vị

Đơn giá xuất kho sau mỗi lần nhập sẽ được tính như sau:

  • Đơn giá xuất kho sau lần nhập ngày 05/08:

Khi đó:

  • Đơn giá xuất ngày 10/08 là 20.667 VNĐ/đơn vị
  • Giá trị hàng xuất kho: 800 x 20.667 = 16.533.600 VNĐ
  • Số lượng tồn kho: 1500 – 800 = 700 đơn vị
  • Giá trị tồn kho: 31.000.000 – 16.533.600 = 14.466.400 VNĐ
  • Đơn giá xuất kho sau lần nhập ngày 15/08:

Khi đó: 

    • Đơn giá xuất ngày 20/08 là 20.667 VNĐ/đơn vị
    • Giá trị hàng xuất kho: 600 x 20.833 = 12.499.800 VNĐ
    • Số lượng tồn kho: 1400 – 600 = 800 đơn vị
    • Giá trị tồn kho: 29.166.400 – 12.499.800 = 16.666.600 VNĐ
Chọn phương pháp tính giá trị hàng xuất kho phù hợp
Chọn phương pháp tính giá trị hàng xuất kho phù hợp

2.3. Phương pháp tính giá nhập trước, xuất trước (FIFO)

Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO – First In, First Out) là cách tính giá xuất kho dựa trên nguyên tắc hàng hóa nhập trước sẽ được ưu tiên xuất trước. Giá trị của hàng hóa xuất kho sẽ được tính lần lượt bắt đầu từ giá của lô hàng đầu tiên đã nhập vào kho.

  • Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp có nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn như thực phẩm, dược phẩm, và các sản phẩm dễ hỏng.
  • Ưu điểm: Đơn giản và dễ hiểu, giúp kế toán dễ dàng theo dõi và quản lý hàng tồn kho. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phản ánh đúng giá trị thị trường hiện tại, vì hàng hóa mới nhập vào sẽ được giữ lại trong kho.
  • Nhược điểm: Trong thời kỳ lạm phát, phương pháp FIFO có thể làm tăng lợi nhuận kế toán, dẫn đến việc doanh nghiệp phải trả thuế thu nhập cao hơn. Ngoài ra, phương pháp này không phù hợp với các doanh nghiệp có nhiều loại hàng hóa có giá trị biến động lớn.
  • Công thức tính:

Công thức tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước, xuất trước

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tình hình nhập xuất kho như sau:

  • Tồn kho đầu kỳ: 1000 đơn vị, đơn giá 20.000 VNĐ/đơn vị.
  • Nhập trong kỳ:
    • Ngày 05/08: 500 đơn vị, đơn giá 22.000 VNĐ/đơn vị.
    • Ngày 15/08: 700 đơn vị, đơn giá 21.000 VNĐ/đơn vị.
  • Xuất trong kỳ: 1500 đơn vị.

Khi đó, theo phương pháp FIFO, doanh nghiệp sẽ xuất 1000 đơn vị từ lô hàng tồn đầu kỳ và 500 đơn vị từ lô hàng nhập ngày 05/08. Giá trị xuất kho tương ứng 2 đợt xuất hàng như sau:

  • Giá trị hàng xuất kho của 1000 đơn vị đầu: 1000 x 20.000 = 20.000.000 VNĐ
  • Giá trị hàng xuất kho của 500 đơn vị từ lô kế tiếp: 500 x 22.000 = 11.000.000 VNĐ

=> Tổng giá trị hàng xuất kho: 20.000.000 + 11.000.000 = 31.000.000 VNĐ

Phương pháp tính giá FIFO có nhiều ưu điểm
Phương pháp tính giá FIFO có nhiều ưu điểm

>>> Tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp FIFO trong bài viết FIFO và LIFO 

3. Vai trò của việc tính giá xuất kho

Việc tính giá xuất kho đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài chính và kế toán của doanh nghiệp. Các mục tiêu chính của việc tính giá trị hàng xuất kho như sau:

  • Xác định chính xác giá vốn hàng bán: Đảm bảo rằng giá vốn hàng bán phản ánh đúng chi phí thực tế của hàng hóa đã bán giúp doanh nghiệp xác định lợi nhuận gộp một cách chính xác.
  • Quản lý hàng tồn kho hiệu quả: Đảm bảo rằng hàng hóa luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và bán hàng. Giảm thiểu tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa hàng tồn kho, tối ưu hóa chi phí lưu kho và bảo quản.
  • Tuân thủ quy định kế toán: Giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý và đảm bảo tính minh bạch trong báo cáo tài chính.
  • Ra quyết định kinh doanh: Cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về giá trị hàng tồn kho giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định chiến lược về mua hàng, sản xuất và bán hàng dựa trên dữ liệu thực tế.
Tính giá xuất kho chính xác mang lại nhiều lợi ích
Tính giá xuất kho chính xác mang lại nhiều lợi ích

4. Lưu ý khi lựa chọn phương pháp tính giá xuất kho

Theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc nhất quán khi lựa chọn phương pháp tính giá xuất kho. Nguyên tắc này bao gồm:

  • Áp dụng thống nhất trong một kỳ kế toán: Doanh nghiệp phải sử dụng một phương pháp tính giá xuất kho nhất quán trong suốt một kỳ kế toán. Điều này giúp đảm bảo tính liên tục và so sánh được giữa các kỳ kế toán.
  • Linh hoạt trong từng nhóm hàng: Doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp tính giá xuất kho khác nhau cho từng nhóm hàng hóa, vật tư khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng nhóm.

Ví dụ: Doanh nghiệp X có 3 nhóm hàng hóa A, B, C. Trong đó A là nhóm hàng có giá trị cao, B là nhóm có hạn sử dụng ngắn, C là nhóm có số lượng hàng lớn và giá trị ít khi biến động. Khi đó, doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp đích danh cho nhóm A, phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO) cho nhóm B và phương pháp bình quân gia quyền cho nhóm C.

Bài viết trên là những chia sẻ về các phương pháp tính giá xuất kho cho doanh nghiệp. Mỗi phương pháp tính giá trị hàng xuất kho sẽ có ưu nhược điểm và đối tượng phù hợp để áp dụng khác nhau. Hãy theo dõi Thái Dương Fulfillment để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé.

>>> Xem thêm bài viết:

Mẫu hợp đồng ký gửi hàng hóa và thông tin chi tiết

Biên bản gửi hàng hóa 

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Hot News

Đừng vội bỏ qua

Theo dõi Fanpage chính thức của
Thái Dương Fulfillment để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!