Vận chuyển đường biển là một trong những hình thức vận chuyển quan trọng trong thương mại quốc tế. Với khả năng chuyên chở khối lượng lớn, chi phí hợp lý và phạm vi hoạt động toàn cầu, hình thức này đang được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cùng khám phá chi tiết về ưu nhược điểm và cách tính cước phí vận chuyển đường biển qua bài viết sau.
1. Tổng quan về vận chuyển đường biển
1.1. Khái niệm vận chuyển đường biển
Vận chuyển đường biển là hình thức sử dụng tàu thủy để di chuyển hàng hóa từ cảng này đến cảng khác, giữa các quốc gia hoặc trong một vùng lãnh thổ, thông qua các tuyến đường biển quốc tế và nội địa. Đây là phương thức vận tải phổ biến, đặc biệt phù hợp với hàng hóa khối lượng lớn, kích thước cồng kềnh và không yêu cầu giao hàng nhanh.
Vận tải đường biển bao gồm vận tải nội địa và vận tải quốc tế. Trong khi vận tải nội địa tập trung vận chuyển hàng hóa giữa các cảng trong cùng một quốc gia thì vận tải quốc tế hướng đến vận chuyển hàng hóa trên phạm vi toàn cầu. Vận tải quốc tế thường phức tạp hơn do phải tuân thủ các quy định và thủ tục hải quan của nhiều quốc gia.
Vận chuyển đường biển là yếu tố then chốt trong thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, cho phép vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa với chi phí thấp. Phương thức này kết nối các cảng biển trên toàn thế giới, giúp các doanh nghiệp giao thương hiệu quả, đặc biệt với hàng hóa cồng kềnh và hàng cần vận chuyển đường dài.
1.2. Các phương thức vận chuyển đường biển phổ biến
- Vận chuyển nguyên container (Full Container Load – FCL): sử dụng toàn bộ container cho một lô hàng duy nhất, giúp bảo vệ hàng hóa tốt hơn và giảm thiểu rủi ro hư hỏng, thích hợp với các lô hàng lớn và có giá trị cao.
- Vận chuyển ghép container (Less than Container Load – LCL): ghép hàng hóa từ nhiều chủ hàng khác nhau vào một container, phù hợp cho các lô hàng nhỏ, tiết kiệm chi phí nhưng có thể mất thời gian do phải chờ ghép đủ hàng.
- Vận chuyển hàng rời (Bulk Shipping): dành cho các loại hàng hóa không đóng gói như than đá, quặng sắt; vận chuyển trực tiếp trong khoang tàu, thích hợp cho các lô hàng lớn.
- Vận chuyển hàng lỏng: dành cho hàng hóa lỏng như dầu, hóa chất,… thường chứa trong bồn chứa chuyên dụng để đảm bảo an toàn và tránh rò rỉ.
2. Ưu nhược điểm của vận chuyển đường biển
2.1. Ưu điểm
- Chi phí vận chuyển thấp: Vận chuyển đường biển thường có chi phí thấp hơn so với các phương thức khác, đặc biệt là với các lô hàng lớn.
- Khả năng chuyên chở lớn: Tàu biển có thể chở khối lượng hàng hóa rất lớn, từ hàng rời đến hàng nguyên cont, giúp giảm thiểu tình trạng phải chia hàng thành nhiều chuyến để vận chuyển, gây mất thời gian cũng như tốn thêm chi phí.
- Phù hợp với đa dạng hàng hóa: Có thể xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau từ hàng hóa thông dụng đến hàng cồng kềnh, hàng nguy hiểm,…
- Kết nối toàn cầu: Có thể vận chuyển hàng hóa đến hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới thông qua các cảng biển. Nhờ đó giúp kết nối các quốc gia và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế và giao thương toàn cầu.
2.2. Nhược điểm
- Thời gian vận chuyển dài: Vận chuyển bằng đường biển thường mất nhiều thời gian hơn so với đường hàng không hoặc đường bộ.
- Phụ thuộc vào thời tiết: Vận chuyển đường biển dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu như bão hoặc sóng lớn, có thể làm gián đoạn lịch trình vận chuyển.
- Rủi ro thiên tai và tai nạn biển: Các sự cố như bão, sóng thần hoặc va chạm với các vật thể khác trên biển có thể gây thiệt hại hoặc mất mát hàng hóa.
- Rủi ro về an ninh, sự cố do con người (hải tặc): Nguy cơ bị tấn công bởi hải tặc hoặc các sự cố do con người gây ra (như sai sót trong quản lý hàng hóa) có thể ảnh hưởng đến an toàn và bảo mật của hàng hóa.
3. Các mặt hàng có thể vận tải đường biển
Nếu muốn gửi đồ về Việt Nam bằng đường biển, bạn cần tìm hiểu kỹ các mặt hàng được phép vận chuyển bằng hình thức này. Một số mặt hàng tiêu biểu có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển đường biển bao gồm:
- Hàng hóa tổng hợp (General cargo): như quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất,… thường được vận chuyển bằng container tiêu chuẩn hoặc container chuyên dụng để bảo vệ hàng hóa khỏi hư hỏng.
- Hàng hóa rời (Bulk cargo): hàng hóa không đóng gói như than đá, quặng sắt,… thường được vận chuyển bằng tàu chở hàng rời (bulk carriers).
- Hàng hóa lỏng (Liquid bulk cargo): như dầu thô, hoá chất,… cần sử dụng tàu chở dầu (tankers) hoặc tàu chở hóa chất chuyên dụng để đảm bảo an toàn và tránh rò rỉ.
- Hàng hóa dễ hỏng (Perishable goods): như thực phẩm tươi sống, hoa quả,… cần dùng tàu có container lạnh (reefer containers) để duy trì nhiệt độ thích hợp và bảo quản chất lượng hàng hóa.
- Hàng siêu trường siêu trọng (Oversized cargo): như các loại máy móc công nghiệp lớn, cấu kiện xây dựng,… cần sử dụng container mở nóc (open top containers) hoặc container phẳng (flat-rack containers) để dễ dàng xếp dỡ hàng hóa.
- Hàng hóa nguy hiểm (Dangerous goods): như hoá chất độc hại, các loại khí dễ cháy, pin lithium,… cần được vận chuyển bằng container chuyên dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn của IMDG Code.
- Phương tiện giao thông (Vehicles): như ô tô, xe máy, tàu thuyền,… cần dùng tàu Ro-Ro (Roll-on/Roll-off) cho phép phương tiện tự di chuyển lên và xuống tàu.
Bạn muốn tìm hiểu phương thức vận tải hàng hóa sử dụng container? Tham khảo bài viết về khái quát vận chuyển container để biết được thông tin cũng như cách tính giá cước vận chuyển của phương thức này!
4. Quy trình vận chuyển hàng hóa đường biển
Thông thường, quy trình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bao gồm 8 bước như sau. Chủ hàng có thể tự làm hoặc thông qua công ty logistics chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển đường biển để được hỗ trợ làm việc với các hãng tàu và xử lý các thủ tục hải quan:
- Bước 1: Chuẩn bị hàng hóa
Chủ hàng đóng gói hàng hóa đúng tiêu chuẩn và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết (hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ,…) theo yêu cầu.
- Bước 2: Đặt chỗ và chọn tàu
Chủ hàng hoặc công ty logistics liên hệ với hãng tàu để đặt chỗ và chọn tuyến đường phù hợp. Quá trình này bao gồm cung cấp thông tin hàng hóa cần vận chuyển, cảng đến, cảng đi, thỏa thuận về giá cước vận chuyển đường biển quốc tế hoặc nội địa, lịch trình vận chuyển và thời gian giao hàng dự kiến.
- Bước 3: Giao hàng ra cảng và làm thủ tục hải quan xuất khẩu
Chủ hàng hoặc Công ty logistics vận chuyển hàng hóa từ kho của chủ hàng ra cảng biển và làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu. Hàng hóa sẽ được kiểm tra và thông quan trước khi lên tàu.
- Bước 4: Xếp hàng lên tàu
Sau khi thông quan, hàng hóa được đóng vào container và xếp cẩn thận lên tàu theo lịch trình. Cần lưu ý thời gian hạ container xuống tàu phải trước closing time quy định trên booking để tránh làm lỡ chuyến tàu.
- Bước 5: Vận chuyển đường biển
Tàu chở hàng di chuyển theo tuyến đường biển đã định và hàng hóa được vận chuyển tới cảng nhập khẩu. Thời gian vận chuyển phụ thuộc vào khoảng cách và loại dịch vụ (chuyển nhanh hay thông thường).
- Bước 6: Thủ tục hải quan nhập khẩu
Khi đến cảng nhập khẩu, người nhận hoặc công ty logistics tiến hành làm thủ tục hải quan. Hàng hóa sẽ được kiểm tra và thông quan để được phép đưa vào lưu thông nội địa.
- Bước 7: Giao hàng cho người nhận
Hàng hóa sau khi đã hoàn tất thủ tục hải quan sẽ được đưa ra khỏi cảng và vận chuyển đến địa điểm của người nhận (kho hàng, nhà máy hoặc điểm phân phối).
- Bước 8: Hoàn tất quá trình
Sau khi nhận hàng, người nhận kiểm tra tình trạng hàng hóa và ký xác nhận hoàn tất quy trình vận chuyển. Chi phí vận chuyển cũng được xử lý thanh toán nốt trong giai đoạn này.
5. Các loại chứng từ trong vận tải đường biển
5.1. Chứng từ vận tải
Bao gồm vận đơn đường biển, giấy chứng nhận xuất xứ, hoá đơn thương mại và phiếu đóng gói.
- Vận đơn đường biển (Bill of Lading – B/L): chứng từ xác nhận hàng hóa đã được xếp lên tàu và là hợp đồng vận chuyển giữa người gửi hàng và hãng tàu. Vận đơn này có thể chuyển nhượng được, cho phép quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao.
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice): chứng từ do người bán phát hành để liệt kê chi tiết về hàng hóa, giá cả, điều kiện thanh toán và giao hàng. Đây là căn cứ để tính thuế và làm thủ tục hải quan.
- Phiếu đóng gói (Packing List): chứng từ ghi chi tiết về số lượng, trọng lượng, kích thước và cách đóng gói của từng loại hàng hóa; giúp kiểm tra và đối chiếu hàng hóa khi giao nhận.
- Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin – C/O): chứng từ xác nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, giúp áp dụng ưu đãi thuế quan và tuân thủ các quy định thương mại quốc tế.
5.2. Chứng từ hải quan
Bao gồm tờ khai hải quan xuất nhập khẩu và giấy chứng nhận kiểm dịch đối với hàng hoá nông sản.
- Tờ khai hải quan (Customs Declaration): chứng từ bắt buộc để khai báo với cơ quan hải quan khi xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa, nhằm tuân thủ quy định pháp luật về xuất nhập khẩu.
- Giấy chứng nhận kiểm dịch (Phytosanitary Certificate): chứng từ chứng minh hàng hóa nông sản đã tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
5.3. Chứng từ khác
Một số chứng từ khác có thể cần dùng đến như giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định,…
Bạn không muốn vận chuyển quốc tế mà không biết địa điểm đích cho vận chuyển bảo thuế? Tham khảo ngay bài viết Địa điểm đích cho vận chuyển bảo thuế và những thông tin cần biết để được giải đáp!
6. Cách tính cước phí vận chuyển đường biển và các loại phụ phí thường gặp
Cước phí vận chuyển đường biển sẽ được tính dựa trên khoảng cách từ cảng gửi đến cảng nhận theo đơn vị là số container hoặc CMB. Cước phí này thường không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuyến đường vận chuyển, loại hàng, trọng lượng hàng, hãng tàu,…
Ngoài ra, vận tải biển còn có các phụ phí như phí bến cảng, phí an ninh hàng hóa, phí nhiên liệu, phí hàng quá khổ, phí vệ sinh container,…
Để biết chính xác giá cước vận chuyển đường biển là bao nhiêu, bạn cần liên hệ và cung cấp thông tin cho đơn vị vận chuyển để được tư vấn và hỗ trợ lên dự toán chi phí.
7. 5 đơn vị vận tải biển quốc tế nổi tiếng thế giới
- Maersk Line: Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới tại Đan Mạch, chuyên cung cấp các giải pháp logistics tích hợp.
- Mediterranean Shipping Company (MSC): Công ty vận tải biển lớn thứ hai thế giới tại Thụy Sĩ, chuyên cung cấp dịch vụ vận tải container và logistics toàn cầu.
- CMA CGM Group: Công ty vận tải biển hàng đầu từ Pháp, cung cấp các giải pháp vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không và logistics.
- Evergreen Marine: Công ty vận tải biển lớn từ Đài Loan, nổi tiếng với dịch vụ vận tải container toàn cầu.
- Hapag-Lloyd: Công ty vận tải biển hàng đầu đến từ Đức, chuyên về vận tải container và các dự án hàng hóa đặc biệt.
8. 5 quy định cần lưu ý khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
- Quy định về hàng hóa: Cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được đóng gói kỹ lưỡng để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
- Quy định về chứng từ: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, đảm bảo thông tin trên các chứng từ là chính xác để tránh các vấn đề pháp lý.
- Quy định về thủ tục hải quan: Thực hiện khai báo hải quan chính xác và đầy đủ, tuân thủ các quy định về kiểm tra và giám sát hàng hóa.
- Quy định về bảo hiểm hàng hải: Mua bảo hiểm hàng hải để bảo vệ hàng hóa khỏi các rủi ro. Đảm bảo rằng hợp đồng bảo hiểm bao gồm đầy đủ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của bạn.
- Quy định về trách nhiệm của các bên: Xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong hợp đồng vận chuyển. Đảm bảo rằng các bên đều hiểu và tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận để tránh tranh chấp.
Bài viết trên đã cung cấp toàn bộ thông tin về vận chuyển đường biển – hình thức vận chuyển tiết kiệm chi phí, phù hợp với các lô hàng lớn và hàng hóa đặc biệt. Đừng quên dõi các bài viết tiếp theo của Thái Dương Fulfillment để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về logistics bạn nhé!
Nếu bạn có nhu cầu vận chuyển hàng sang các nước Đông Nam Á, liên hệ ngay với Thái Dương để được tư vấn nhé!
>>> Xem chi tiết: Dịch vụ vận chuyển hàng đi Đông Nam Á